Lý do mở ngành đào tạo thạc sĩ Luật kinh tế
Do nhu cầu cán bộ pháp lý trong lĩnh vực kinh tế tăng cao, khi nền kinh tế Việt Nam tăng cường hội nhập nên cơ hội việc làm của người có trình độ, am hiểu pháp luật, nhất là trình độ Thạc sĩ Luật Kinh tế hiện tại đang rất rộng mở.
Học viên sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Kinh tế có thể làm việc trong các nhóm ngành sau đây:
- Nhóm 1: Làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (FDI), khối doanh nghiệp dân doanh.
- Nhóm 2: Hành nghề Luật sư, Công chứng, Thi hành án, Thừa phát lại, Thẩm định giá, Đấu giá; làm việc trong các công ty luật, các đơn vị dịch vụ, tư vấn pháp luật.
- Nhóm 3: Làm việc trong hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các Tổ chức Trọng tài thương mại, Tổ chức Hòa giải thương mại
- Nhóm 4: Làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, nghề nghiệp; các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Nhóm 5: Nghiên cứu và giảng dạy về pháp luật kinh tế tại các viện, trung tâm nghiên cứu, làm giảng viên ở các trường cao đẳng, dạy nghề.
Quá trình hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với nghĩa vụ thành viên của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là một Bên tham gia các Hiệp định ký với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng nhiều đối tác khác, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan nhà nước Việt Nam và hệ thống doanh nghiệp đang đứng trước yêu cầu rất thúc bách với sức ép cạnh tranh gay gắt, không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả thị trường trong nước. Các quan hệ kinh tế, hoạt động thương mại ngày càng sống động, đa dạng và phức tạp hơn. Để chủ động vượt qua thách thức nói trên thì việc phát triển nguồn nhân lực trong nước là một yếu tố vô cùng quan trọng (trích trong Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020).
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được xem là khu vực phát triển kinh tế, chính trị, xã hội năng động nhất cả nước với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đang hoạt động tại đây ngày càng tăng về số lượng và sự phức tạp trong hoạt động.
Thực tế trên cho thấy Việt Nam đang rất cần một nguồn nhân lực thực sự có chất lượng chuyên môn cao, có đủ khả năng tham gia, phân tích và giải quyết các tranh chấp phát sinh, đặc biệt là khi tham gia vào các vụ kiện mang tính chất quốc tế. Việt Nam đang thiếu chuyên gia để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do đó, việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Luật Kinh tế là hết sức cần thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực hiện tại và lâu dài của đất nước.